Khi bị nhiệt miệng, người mắc bệnh thường cảm thấy đau rát khó chịu, gặp khó khăn trong việc ăn uống và đặc biệt là cảm giác đau rát sẽ trở nên nhức nhối khi tiếp xúc với các loại đồ ăn cay, nóng hoặc mặn.
Nhiệt miệng là tình trạng khoang miệng xuất hiện những hạt mụn nước nhỏ li ti có hình tròn hoặc hình bầu dục, đường kính từ 2-10mm. Các hạt mụn nước xuất hiện nhiều ở lưỡi, nướu, mặt trong má, môi, vòm họng rồi sau đó vỡ ra và gây viêm loét.
Nhiệt miệng có thể xảy ra do cơ thể bị nóng từ bên trong, do thiếu vitamin C, thiếu chất xơ, do ăn ít rau của quả. Ngoài ra, nhiệt miệng cũng có thể xảy ra do bị tổn thương niêm mạc miệng, do vi khuẩn sống trong cao răng, do bị căng thẳng áp lực, do rối loạn thể dịch hoặc do bị chấn thương dẫn đến nhiễm trùng.
Từ xa xưa người ta đã phát hiện ra những bài thuốc dân gian có tác dụng chữa trị nhiệt miệng từ những thực phẩm quen thuộc và vẫn còn được áp dụng cho đến ngày nay.
Dưới đây là một số cách chữa biệt miệng theo dân gian:
Chữa trị nhiệt miệng bằng cà chua
Trong Đông y, cà chua có tính bình, vị chua, hơi ngọt có công dụng rất tốt để thanh nhiệt, giải độc. Khi mắc bệnh nhiệt miệng có nghĩa là cơ thể bạn đang bị nóng từ bên trong. Do đó, bạn có thể ăn cà chua sống để thanh nhiệt, giải độc từ bên trong nhằm chữa trị nhiệt miệng.
Một cách khác, nếu bạn là người không thích ăn cà chua sống thì bạn có thể uống nước ép cà chua, xay cà chua thành sinh tố để uống thay nước giải khát. Hai cách này cũng đem lại hiệu quả chữa trị tương đương.
Chữa trị nhiệt miệng bằng cách uống nước khế chua
Nước khế chua được biết đến là có công dụng chữa bệnh nhiệt miệng rất hiệu quả. Khi bị nhiệt miệng, bạn chỉ cần giã nát 2-3 quả khế tươi, sau đó đổ ngập nước và đun cho đến khi nước sôi trong 5-7 phút thì tắt bếp, đổ nước ra, chờ nước vừa nguội thì ngậm từng ngụm nhỏ và nuốt dần. Ngậm liên tục nhiều lần trong ngày cho đến khi hết hẳn.
Khế chua được sử đụng để điều trị nhiệt miệng nên chọn loại càng chua càng tốt vì chất chua của khế có tác dụng làm tan dịch mủ có trong nốt mụn và thanh nhiệt cho cơ thể.
Chữa trị nhiệt miệng bằng vỏ dưa hấu
Có những lúc vỏ dưa hấu tưởng chừng như chỉ có thể vứt đi lại có tác dụng chữa bệnh rất lớn. Cụ thể, theo Đông y, vỏ dưa hấu có tính hàn nên thường được khuyên dùng để điều trị các bệnh liên quan đến nhiệt miệng, nóng trong người.
Để điều trị nhiệt miệng bằng vỏ dưa hấu, dùng 50g vỏ dưa hấu đã rửa sạch, cắt sợi đem sao trên lửa nóng cho đến khi vàng đều thì lấy xuống, để nguội rồi tán thành bột.
Trộn bột vỏ dưa hấu với một ít mật ong rồi dùng hỗn hợp đó bôi lên các nốt mụn nước. Bôi ngày 2 lần, bôi liên tục cho đến khi tình trạng nhiệt miệng hoàn toàn biến mất.
Chữa bệnh niệt miệng bằng lá húng chó
Lá húng chó cũng được xem là loại thực phẩm có tác dụng chữa trị nhiệt miệng. Bằng cách vô cùng đơn giản là rửa sạch lá húng chó rồi nhai trực tiếp mỗi ngày 3-5 lần là bạn đã và đang góp phần điều trị nhiệt miệng. Sử dụng lá húng chó liên tục cho đến khi nhiệt miệng hoàn toàn hết hẳn thì dừng lại.
Chữa trị nhiệt miệng bằng lá rau ngót
Tương tự như khế chua, lá rau ngót cũng được biết đến là loại thực phẩm có tác dụng chữa trị nhiệt miệng rất hữu hiệu. Trong lá rau ngót có chứa các thành phần có tác dụng tương đươngvới cây nhọ nồi có công dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc.
Để chữa trị nhiệt miệng bằng lá rau ngót, bạn chỉ cần lấy một nắm lá rau ngót rửa sạch, giã nát, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt bỏ xác đi rồi hòa cùng với một ít mật ong.
Sau khi có hỗn hợp lá rau ngót – mật ong thì bông thấm hỗn hợp thuốc này bôi vào các nốt mụn sưng đau, lở loét. Bôi liên tục ngày 2-3 lần, bôi cho đến khi các nốt mụn hoàn toàn biến mất thì dừng lại.