Hạt sen rất giàu dinh dưỡng tuy nhiên cần sử dụng với lượng vừa phải, dùng nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, táo bón.
Bác sĩ CK2 Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chia sẻ hạt sen có tên khoa học là Nelumbinis semen, có hình bầu dục. Hạt sen tươi sống vỏ có màu xanh lá, 2 mầm trắng bên trong ăn mềm, ngọt. Hạt sen chín khô có lớp vỏ cứng màu đen bên ngoài, bên trong 2 lá mầm màu trắng kem, ăn cứng, bùi và nhiều tinh bột hơn. Ở giữa hai mầm trắng của hạt sen là tim sen có màu xanh, vị đắng, thường được loại bỏ ra khỏi hạt sen và phơi khô sao vàng để dùng như trà hoặc làm thuốc.
Giàu dinh dưỡng
Hạt sen không chỉ dùng để ăn vặt, nấu chè, làm mứt, chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng mà còn là dược liệu quý dùng làm thuốc. Hạt sen có thể ăn sống trực tiếp hoặc nấu chín, chế biến thành nhiều món ăn ngon, là thành phần trong nhiều bài thuốc chữa bệnh khác nhau.
“Theo Đông Y, hạt sen có tác dụng bổ tỳ ích vị, an thần, dưỡng tâm, ích thận, chữa suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, cơ thể yếu, mất ngủ, ăn kém, di mộng tinh, tâm phiền và chứng ăn uống không tiêu, bồi bổ sức khỏe cho người cao tuổi, phụ nữ sau sinh và người bị bệnh nặng lâu ngày. Ngày dùng từ 10 – 30 g dưới dạng sắc hay thuốc bột”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Theo y học hiện đại, hạt sen rất giàu chất dinh dưỡng. Trong 100 g hạt sen khô có 332 kcal, carbohydrat 64,47 g, chất đạm 15,41 g, kali 1368 mg, canxi 163 mg, sắt 3,53 mg, magie 210 mg, không cholesterol… Hạt sen còn chứa các hợp chất thực vật có lợi, có đặc tính chống oxy hóa như flavonoid, glycoside, hợp chất phenolic và alkaloid. Hạt sen được xem là nguồn cung cấp dưỡng chất tuyệt vời và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Hạt sen có nhiều lợi ích cho sức khỏe
Lưu ý khi sử dụng hạt sen
Bác sĩ Vũ cho biết, liều lượng khi dùng hạt sen tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe, lứa tuổi và các yếu tố liên quan khác. Liều thường dùng là khoảng 2 – 3 nắm hạt sen hoặc 250 mg đến 3 g bột hạt sen, hoặc 2 – 5 g tâm sen.
“Trẻ nhỏ không nên ăn quá nhiều hạt sen do hệ tiêu hóa còn non yếu, không thể hấp thụ. Không nên trộn lẫn hạt sen vào cháo dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, biếng ăn”, bác sĩ Vũ lưu ý.
Ngoài ra, hạt sen còn có đặc tính chống tiêu chảy. Dùng nhiều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu, táo bón. Người bị bệnh gút, hoặc tiền sử sỏi thận hoặc nguy cơ bị sỏi thận, nên ăn hạt sen mức vừa phải và uống đủ nước.
Người mắc bệnh tim khi dùng hạt sen phải bỏ tâm sen hoặc dùng tâm sen với lượng vừa phải và nên sao tâm sen đến ngả vàng để khử độc trước khi dùng.
Liều lượng khi dùng hạt sen tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe, tuổi tác
Người đang dùng thuốc tây điều trị bệnh tiểu đường, bệnh huyết áp, khi sử dụng hạt sen trong chế độ ăn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh hạ đường huyết, hạ huyết áp quá mức, gây nguy hiểm.
“Với giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, hạt sen đã được ứng dụng nhiều trong cuộc sống và y học. Tuy nhiên, cần lựa chọn hạt sen có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tiêu thụ hạt sen ở mức độ vừa phải để đảm bảo sức khỏe. Đồng thời phải nhận thức được các phản ứng dị ứng tiềm ẩn của bản thân với hạt sen, để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe”, bác sĩ Vũ chia sẻ.