Cây quất còn có tên gọi khác là cây tắc. Quả quất có vị chua ngọt, tính ấm. Lá quất vị cay đắng, tính lạnh, hạt và rễ quất vị chua cay, tính ấm. Các bộ phận của cây quất như: quả, lá, rễ, hạt, vỏ quất…đều được sử dụng để làm thuốc. Sau đây là một số bài thuốc dân gian từ quả quất mời bà con tham khảo.
Quả quất chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như: Vitamin C, A, B, E, chất béo omega-3, chất xơ, kali, sắt, đồng…tốt cho sức khỏe
Chữa ho, viêm họng, khàn tiếng: Dùng 500g quả quất, 330g đường phèn, ngâm vào lọ thủy tinh dùng để ngậm hoặc pha chế uống giải khát.
Chữa đau họng, đau răng: Dùng 500g quả quất. Thái quất thành nhiều lát nhỏ sau đó mang phơi khô rồi đem quất đã phơi khô cho vào lọ thủy tinh đậy kín để từ 1 tháng trở lên. Dùng 25g nước cốt quất hòa với nước ấm. Chia lượng nước trên thành 2-3 lần dùng để uống trong ngày.
Ho nhiều đờm: Quất 5 quả, đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy, ngày ăn 2 lần, liền trong 3 ngày.
Ho gà trẻ em: Quất 10g, gừng tươi 6g, thiên trúc hoàng 6g, sắc uống mỗi ngày 1 lần.
Ho do phế nhiệt: Dùng quả quất với củ cải ép lấy nước uống.
Ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá thạch xương bồ 10g, thêm 20g đường phèn hấp cơm, uống 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 5 – 10ml (1 thìa café).
Chữa nôn ra máu: Hạt quất 20g, bóc bỏ vỏ lấy nhân, sao vàng, giã nhỏ, sắc lấy nước uống 2 lần/ngày.
An thần giảm ho: Quất 2 quả (bỏ vỏ, hạt, vách múi), bột ngó sen một ít, đường 100g, một ít hoa quế, nấu chè ăn.
Mắc nghẹn: Vỏ quất 20g, sấy khô, tán thành bột, sắc uống nóng.
Sa nang sưng đau: Rễ quất 15 – 16g, sắc uống.
Cảm mạo: Lá quất 30g, đổ 3 bát nước sắc còn 1 bát, hòa đường vừa đủ, uống lúc nóng.
Nôn mửa: Vỏ quất, gừng tươi, đất nung mỗi thứ 9g, sắc uống.
Chữa hậu sản, phù nề, vàng da: Quả quất non 50g, nghệ vàng 100g, nghệ đen 100g, hương phụ 100g, cặn nước tiểu 5g. Tất cả thái mỏng, phơi khô, tán bột mịn, trộn với mật ong làm viên bằng hạt ngô. (Ngày uống 10 viên).
Chế biến nước giải khát có tác dụng bổ, dễ tiêu: Quả quất chín 1kg rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim sạch châm sâu vào quả 5 – 6 lỗ rồi cho vào lọ rộng miệng cùng với đường kính 2kg; cứ một lớp quất lại một lớp đường. Đậy kín, để trong 7 ngày, được dịch quất đường (sirô quất) màu vàng mùi thơm. Khi dùng, lấy 1 – 2 thìa to sirô này pha với 150ml được đun sôi để nguội (khuấy đều rồi uống).
Ngoài ra, trong vỏ của quất, cam, quýt có chất tinh dầu giúp ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da… Các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, ăn quất cả vỏ sẽ cho vitamin C, chất xơ rất có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, chữa bệnh tăng huyết áp.