Quả này nặng mùi, hình thức không bắt mắt nhưng lạ miệng và có nhiều công dụng với sức khỏe. Mấy năm nay, nhàu khô và nhàu tươi được nhiều người tìm mua.
Trái nhàu là quả dân dã, mọc hoang dại ở các tỉnh thuộc Trung Bộ và Nam Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Dương, An Giang… Với những người sinh ra và lớn lên ở các miền quê, chắc hẳn đây là món ăn vặt tuổi thơ khiến ai ăn thử cũng nhớ mãi cái hương vị của chúng. Theo đó, trái nhàu nặng mùi, một số người nhận xét mùi nồng như trái sầu riêng, nhưng chỉ ăn vài lần là quen và bị “ghiền”.
Trái nhàu là thức quà vặt tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên ở các miền quê
Theo tìm hiểu, cây nhàu có nguồn gốc ở vùng Tây Ấn và Đông Nam Á. Chúng thường mọc dại ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông suối, ao hồ hoặc mương rạch. Quả nhàu có quanh năm nhưng khoảng tháng 9, tháng 10 là rộ lên nhiều nhất. Khi còn non chúng có màu xanh nhạt, lúc chín sẽ ngả màu vàng, có nhiều hạt dính vào nhau, có thể to bằng nắm tay người lớn.
“Mình còn nhớ thứ quả này có những chấm tròn sần sùi ở vỏ, phần cơm bên trong mềm, mùi hơi khai nồng và hắc nhưng ăn ngọt. Cũng như sầu riêng, ai thấy ngon thì sẽ rất ghiền, còn ai không thích thì thấy chúng có mùi khó chịu. Hồi trước mình và các bạn hay hái trái nhàu rồi chấm muối ăn tại cây, những quả còn xanh có vị hơi chua, còn quả chín ngả vàng thì ngọt thanh, mọng nước”, chị Hồng (ở An Giang) chia sẻ.
Thứ quả này có mùi nồng nhưng lạ miệng và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe
Không chỉ là một thứ quả ăn vặt cho vui miệng, trái nhàu còn dùng làm thuốc, nó có những công dụng với những người có bệnh về huyết áp, đau nhức xương khớp, các vấn đề về tiêu hoá…
Từ thứ quả mọc hoang dại ở bờ bụi, mấy năm gần đây nhiều người bất ngờ khi trên chợ mạng có rao bán trái nhàu ở 2 dạng: quả tươi và quả khô. Quả nhàu tươi có giá 70.000-90.000 đồng/kg, quả nhàu khô có giá khoảng 150.000-180.000 đồng/kg.
Ngoài ăn tươi, trái nhàu còn dùng để ngâm đường ngâm rượu hoặc làm thành nước cốt nhàu, tinh dầu nhàu…
Anh Mạnh (người bán trái nhàu trên chợ mạng) giới thiệu: “Trái nhàu này ở các tỉnh Nam Trung Bộ gửi ra Hà Nội nên giá đắt vì đội chi phí vận chuyển. Hơn nữa, nhàu dễ vị giập nát khi va đập, nhanh chín nên nếu không bảo quản cẩn thận sẽ dễ bị hỏng, lỗ vốn.
Với loại trái nhàu tươi thường phải đóng thùng xốp và bảo quản mát, tôi thường gom một lần trong tuần, có hàng là ship ngay để đảm bảo chất lượng. Cách đơn giản và phổ biến nhất đó là trái nhàu ngâm đường hoặc ngâm rượu dùng dần trong năm”.
Quả nhàu khô có thể bảo quản để sử dụng quanh năm
Anh Mạnh cho biết trái nhàu khô có thể để được lâu hơn nên loại này được ưa chuộng hơn. Nhàu khô vẫn có những tác dụng như trái nhàu tươi.
Từ trái nhàu còn có thể làm thành nước cốt nhàu; mật ong hoa nhàu nguyên chất; tinh dầu nhàu cao cấp; nhàu sấy lạnh để xuất khẩu sang nước ngoài.
Trong quả nhàu có tới 29 loại axit hữu cơ, tinh dầu và nhiều loại axit amin, vitamin C, sắt, Mg, Ca, K, Na đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Theo y học dân gian, quả nhàu vị hăng nồng, tính mát, trị nhức mỏi xương khớp, nhuận trường và lợi tiểu nhẹ, hỗ trợ tiêu hóa… dùng dưới dạng quả chín phơi khô hoặc quả tươi ngâm rượu, ngâm đường, sắc uống…