Nếu bạn không biết thì ruồi đôi khi cũng có thể chữa bệnh. Các bác sĩ thả giòi ruồi vào vết thương hoại tử để tận dụng các chất kháng sinh mà nó tiết ra.
Hãy tưởng tượng bạn đang cầm một chiếc bánh mì ngon lành mới mua và chuẩn bị đưa nó lên miệng. Đột nhiên, bạn phát hiện một “tên cướp” không làm mà muốn có ăn. Với đôi mắt kép to đùng ngã ngửa trên đầu và hai cái râu ngoe nguẩy, tên cướp hệ ruồi này đã định vị được cái bánh mì của bạn và hạ cánh trên đó.
Chỉ trong khoảng nửa giây bạn đã vùng vẫy chiếc bánh để đuổi con ruồi đi, giành lại bữa ăn của mình. Nhưng điều mà bạn không biết là dù con ruồi chưa kịp cắn một miếng nào, nó đã kịp nhổ toẹt một bãi nước bọt màu vàng lên chiếc bánh mì của bạn.
Trên thực tế, họ nhà ruồi có tới hơn 110.000 loài nhưng chẳng có loài nào có răng. Vì vậy, chúng đã phát triển một kiểu ăn mới nghe phát tởm. Bạn thấy cái vòi hút của ruồi chứ? Ngay sau khi nó đậu lên chiếc bánh mì, con ruồi sẽ dùng cái vòi, khạc ra một bãi nước bọt, thậm chí ợ ra cả thức ăn thừa có trong dạ dày mà chúng đang tiêu hóa.
Mục đích của hành động này là gì? Nó muốn dùng các chất dịch ấy để làm mềm cái vỏ bánh mì quá cứng, nấu nó thành một nồi súp nhão cho đến khi cái vòi có thể hút tất cả trở lại bụng.
Việc ợ thức ăn thừa đang tiêu hóa trong bụng ruồi còn có một mục đích nữa, nó muốn làm khô chúng lại một chút. Trên thực tế, khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, ruồi sẽ muốn tống tạm chúng ra ngoài, đợi hơi nước bay bớt rồi mới hút trở lại.
Bằng hành động này, chúng có thể ăn thêm nhiều hơn và sẽ đỡ nặng bụng trong khi bay.
Ruồi không nếm thức ăn bằng lưỡi, chúng nếm bằng bàn chân
Thật may mắn là con người chúng ta không phải nhè ra những gì mà chúng ta đã ăn, chỉ để làm khô rồi sau đó ăn chúng lại một lần nữa. Nghe đã phát kinh lên được, cái thứ dịch tiêu hóa sền sệt và bốc mùi chua lòm. Nhưng lũ ruồi chẳng lẽ không thấy điều đó thật kinh tởm hay sao?
Trên thực tế, câu trả lời là không, bởi bộ phận nếm thức ăn của ruồi lại không nằm trong miệng của chúng. Ồ, một con ruồi vẫn sẽ thấy thấy chiếc bánh mì của bạn thật ngon lành. Nhưng chúng thưởng thức vị ngon đó bằng các thụ thể ở dưới lòng bàn chân.
Đó là khi bạn thấy một con ruồi đang cọ xát hai chân của nó lại với nhau. Nhìn bề ngoài thì hành động này giống như một gã phàm ăn đang hăm hở chuẩn bị nhào vào bữa ăn của gã. Nhưng khi ruồi làm vậy, nó thực sự là đang lau sạch các thụ thể dưới chân của mình, để vị của món ăn trước không bị lẫn vào với món ăn mới.
Hóa ra trong thế giới loài ruồi, đó là hình ảnh một quý cô đang nhấp một ngụm nước và lấy khăn ăn khẽ khàng lau miệng. Suy cho cùng, ruồi cũng là một thực khách có phong thái đúng không nào?
Bạn có nên bỏ thức ăn bị ruồi bâu hay không?
Khi một con ruồi đậu xuống chiếc bánh mì của bạn, có lẽ đó không phải là thứ duy nhất mà nó hạ cánh xuống trong ngày hôm đó. Ruồi thường đậu trên những thứ bẩn thỉu, như thùng rác hoặc thức ăn đang phân hủy. Các bãi đáp này chứa đầy vi khuẩn và vi khuẩn sau đó có thể bám lên chân ruồi để nhảy vào bữa ăn của bạn
Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với bãi nước bọt mà ruồi để lại, vì một số vi khuẩn có thể gây bệnh, như vi khuẩn tả và thương hàn. Tin vui là nếu bạn đuổi được con ruồi bay đi ngay thì một hai giây là chưa đủ để chúng chuyển giao vi khuẩn sang bữa ăn của bạn. Khả năng đó vẫn sẽ xảy ra nhưng là khá thấp và phần lớn thời gian thức ăn của bạn vẫn ổn để ăn được.
Thế nhưng, nếu bạn để thức ăn ở bên ngoài quá lâu, không che chắn để ruồi bâu lên đó trong một khoảng thời gian dài. Thêm vào đó, không chỉ có một mà cả một đàn ruồi đã cùng chia sẻ bữa ăn của bạn. Thì đây là lúc mà bạn không nên tiếc và hãy bỏ đi phần thức ăn đó của mình.
Ruồi có làm gì tốt ngoài việc chuyên đi ăn chực và truyền bệnh hay không?
Khạc nhổ vào thức ăn của bạn và lây lan dịch bệnh nghe có vẻ kinh tởm, nhưng ruồi không phải lúc nào cũng thể hiện chúng như một đám du côn.
Lần tới trong khi đi picnic, bạn hãy quan sát kỹ xung quanh mình và để ý có bao nhiêu con ruồi đang ghé thăm hoa để lấy mật. Ruồi giống như ong cũng nằm trong nhóm động vật thụ phấn quan trọng. Trên thực tế, nhiều loài thực vật cần ruồi để giúp chúng sinh sản .
Ruồi cũng là nguồn thức ăn cho ếch, thằn lằn, nhện và chim, vì vậy chúng là một phần có giá trị của hệ sinh thái .
Một số loài ruồi thậm chí còn có công dụng chữa bệnh. Ví dụ, các bác sĩ sử dụng giòi ruồi – những con non chưa trưởng thành của chúng để loại bỏ các mô bị hoại tử trong vết thương. Giòi tiết ra một số chất có tác dụng kháng virus và kháng khuẩn. Những chất này thậm chí còn giúp các nhà khoa học tạo ra phương pháp điều trị nhiễm trùng mới.
Điều trị nhiễm trùng hoại tử bằng giòi ruồi.
Quan trọng hơn, những con ruồi giấm thường hay bay quanh chuối chín trong bếp nhà bạn hiện đang là một người đồng hành quan trọng của các nhà khoa học. Họ đang sử dụng ruồi giấm trong vô số các thí nghiệm y sinh và ở khắp nơi trên thế giới.
Đó là bởi ruồi giấm chia sẻ tới 75% số gen bệnh tật với con người. Nghiên cứu loài ruồi này có thể giúp chúng ta tìm ra nguyên nhân và cách chữa trị cho nhiều căn bệnh, nhất là các bệnh rối loạn di truyền.
Bởi vậy, mặc dù hơi phiền toái một chút khi lũ ruồi cứ nhìn chằm chằm chiếc bánh mì của bạn, nhưng với những đóng góp của loài côn trùng bé nhỏ này, có lẽ bạn cũng nên véo một mẩu bánh nhỏ và chia sẻ riêng cho chúng.