Khi thời khắc năm cũ qua đi, năm mới vừa tới, nhiều người có thói quen tổng kết lại những điều được – mất. Và bạn biết không, biết rút ra bài học từ những sai lầm của người khác là một cách cực kỳ khôn ngoan để sống đời mạnh khỏe, hạnh phúc hơn.
Thường, khi bước qua bên kia con dốc của cuộc đời, ở độ tuổi trên 50, cơ thể bắt đầu lão hóa nhanh, trải nghiệm cuộc sống dày thêm và nhiều người mới nhận ra những điều khiến họ hối tiếc. Nếu xem được video này khi còn trẻ, xin chúc mừng vì nó có thể giúp bạn tránh được một số sai lầm có thể phải trả giá đắt dưới đây:
1. Lấy sai người
Nghe có vẻ chẳng liên quan tới sức khỏe nhưng thực sự việc bạn kết hôn với ai ảnh hưởng khá nhiều tới tình trạng thể chất và tinh thần của bản thân. Một người bạn đời phù hợp, luôn quan tâm, biết cảm thông, chia sẻ và khích lệ những thói quen lành mạnh có thể giúp bạn phát triển được phiên bản tốt nhất của chính mình. Ngược lại, cưới sai người, có hôn nhân bất hạnh tác động tiêu cực tới sức khỏe, tâm lý và tuổi thọ.
2. Theo đuổi sai mục đích, bỏ bê sức khỏe khi còn trẻ
Bạn có từng gặp những người cả đời chạy theo danh vọng, giàu sang hay những cuộc chơi bời tới bến, nhưng cuối cùng lại sống trong đau khổ, quạnh hiu và bệnh tật? Thực sự, việc theo đuổi mục tiêu sai lầm, không xác định được cái gì mới quan trọng với bản thân, có thể khiến chúng ta lơ là chăm sóc, thậm chí tàn phá sức khỏe. Và rồi, khi bước qua dốc bên kia của cuộc đời, chúng ta nhận ra tất cả những tiền tài, địa vị… sẽ vô nghĩa nếu bản thân không có đủ sức khỏe để tận hưởng.
3. Lười tập thể dục
Khi còn trẻ, nhiều người vì bận rộn công việc hoặc có nhiều mối quan tâm, sở thích giải trí khác mà không dành thời gian tập luyện. Họ có thể lý luận “khỏe là được, đẹp mới phải cố tập”. Nhưng tới trên 50 tuổi, khi cơ thể dần méo mó, những cơn đau nhức tìm tới, họ mới hối tiếc sao trước kia không dành thời gian tập luyện nhiều hơn.
4. Có các quyết định sai lầm về tài chính
Hóa ra tiền bạc ảnh hưởng tới sức khỏe là có thật. Nhiều người đã rơi vào trầm cảm, lo âu kéo dài khi thua lỗ, mất trắng, bị lừa tiền… Những quyết định tài chính sai lầm đôi khi không chỉ khiến bạn phải trả giá bằng tiền bạc, các mối quan hệ mà cả sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân.
5. Chìm đắm trong những nỗi đau buồn
Ít người biết rằng, không biết cách vượt qua những buồn đau có thể khiến chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính. Các nghiên cứu đã chỉ ra, lạc quan và những cảm xúc tích cực là chìa khóa để mở ra cánh cửa sống thọ và sống khỏe. Nỗi buồn nào cũng nên có thời hạn. Nếu bạn không thể tự mình vượt qua, hãy nhờ tới sự hỗ trợ của người đáng tin cậy hay chuyên gia tâm lý.
6. Sống không mục đích
Có thể bạn từng nghe câu nói rằng: “Thà sống một cuộc đời ngắn nhưng đầy ý nghĩa còn hơn tồn tại kéo dài vô nghĩa lý”. Thực tế, có đam mê, mục đích trong đời có thể giúp bạn sống lâu hơn. Các nghiên cứu cho thấy, việc sống có mục đích giúp sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn. Một số hoạt động có thể giúp bạn phát hiện được niềm đam mê thực sự của mình gồm: Tham gia hoạt động từ thiện, thử sức với một sự nghiệp thứ hai, thực hiện sở thích sáng tạo hoặc tận hưởng những thú vui đơn giản trong cuộc sống.
7. Ăn uống tùy tiện
Thói quen ăn uống không lành mạnh có thể khiến cơ thể hứng hậu quả khi chớm già. (Ảnh minh họa)
Khi còn trẻ, nhiều người ăn uống theo sở thích, chọn những gì “nịnh miệng” mà không quan tâm tới nguồn gốc thực phẩm hay tác động của món ăn tới sức khỏe. Trong khi đó “bệnh từ miệng mà ra” không chỉ là một câu “dọa” mà đã được giới chuyên môn khẳng định. Ăn uống lành mạnh, theo hướng dẫn có cơ sở khoa học sẽ giúp chúng ta chống lại bệnh tật, duy trì cân nặng phù hợp và sống lâu, khỏe mạnh hơn.